Ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB: Tăng tốc phát triển toàn diện ngân hàng giai đoạn 2019-2024

Ngày đăng: 20/06/2019 16:06

Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi, cũng là lúc kết thúc giai đoạn củng cố hoạt động, chuẩn bị cho những bước phát triển lớn, TBKTSG có buổi trò chuyện cùng ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB, xung quanh những định hướng của ACB trong giai đoạn 2019-2024.

Ông Đỗ Minh Toàn - Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB)

TBKTSG: Được biết 2018 là năm cuối cùng của giai đoạn 2014-2018 rất quan trọng đối với ACB, ông có thể chia sẻ những điều làm được trong giai đoạn này?

Ông Đỗ Minh Toàn: Chúng tôi đã tập trung nguồn lực hoàn thành các mục tiêu lớn của giai đoạn 2014-2018, xây dựng năng lực và tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi, phát triển của ACB giai đoạn 2019-2024. ACB đã triển khai thành công mô hình kinh doanh theo vùng, cụm song song với kiện toàn mạng lưới kênh phân phối; cải tiến hoạt động vận hành; thực hiện tốt quản lý rủi ro; tái cấu trúc và tăng chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) chuẩn bị cho bước chuyển đổi sang ngân hàng số; gia tăng độ nhận biết của khách hàng về hình ảnh, thương hiệu của ACB cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để tạo sự gắn bó lâu dài.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh và uy tín của ACB trong những năm qua đều được các tổ chức quốc tế và khách hàng nhìn nhận. Lãnh đạo và nhân viên ACB đã đi cùng nhau với tất cả nỗ lực, kiên nhẫn và sự sẻ chia để đạt được những thành công trong giai đoạn vừa qua, được xem là khá nhiều thách thức với chúng tôi.

Còn với những điều chúng tôi chưa hoàn tất buộc chúng tôi phải nhanh hơn trong thời gian tới, đặc biệt về FinTech (tài chính ứng dụng công nghệ), về ngân hàng số để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, dẫn đầu về lĩnh vực định hướng khách hàng.

TBKTSG: Kết quả kinh doanh năm 2018 của ACB rất khả quan, đặc biệt là về mức tăng trưởng lợi nhuận. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Ông Đỗ Minh Toàn: Năm 2018, ACB tiếp tục đạt được kết quả khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 6.388 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 329.000 tỉ đồng, huy động đạt 270.000 tỉ đồng, dư nợ 228.000 tỉ đồng và tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức rất thấp, 0,7%. So với năm 2017, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 2,4 lần trong khi đó tổng tài sản tăng 16%. ACB chủ động giữ đà tăng trưởng nhằm hỗ trợ cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

TBKTSG: Định hướng phát triển của giai đoạn 2019-2024 của ngân hàng có gì nổi bật so với giai đoạn trước?

Ông Đỗ Minh Toàn: ACB vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm là ngân hàng bán lẻ, trong đó phát triển bán buôn có chọn lọc dựa trên các ngành, các lĩnh vực có khả năng tạo ra giá trị chuỗi khách hàng và có hệ khách hàng phát triển. Song song với mảng ngân hàng truyền thống, chúng tôi sẽ tập trung thêm vào mảng ngân hàng số. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là trở thành ngân hàng sinh lời tốt nhất với sự tăng trưởng ở cả mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), và cũng là ngân hàng dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng.

Khách hàng và nhân viên chính là hai thành tố quan trọng, xuyên suốt giúp chúng tôi thực hiện các mục tiêu được đặt ra trong giai đoạn này. Năm 2019, ACB vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như năm 2018 và theo đuổi chiến lược bán lẻ trong năm đầu tiên của giai đoạn mới 2019-2024.

TBKTSG: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về hướng đi của ACB đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, gồm SME và doanh nghiệp lớn?

Ông Đỗ Minh Toàn: Với khách hàng cá nhân, ACB sẽ tạo ra các sản phẩm với tính năng phù hợp với nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau, tăng cường bán hàng đa kênh và tập trung vào các kênh bán hàng được khách hàng ưa chuộng, sử dụng hệ sinh thái có sẵn hoặc liên kết với nền tảng của bên thứ ba để phân phối sản phẩm, dịch vụ số của ACB.

Với khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cho ra mắt các sản phẩm mang tính chuyên môn cao theo những ngành mục tiêu có chọn lọc, cải thiện quy trình linh hoạt và nhanh hơn, cải tiến trải nghiệm dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Ngoài ra, ACB sẽ tạo ra hệ nền tảng (platform) phục vụ cả nhu cầu về dịch vụ ngân hàng lẫn phi ngân hàng của SME. Những sản phẩm và gói sản phẩm ACB được định hướng không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp mà còn mang đến những giá trị gia tăng cho họ.

Tôi cho rằng quy mô thị trường vẫn còn rất lớn và chúng tôi vẫn còn nhiều cơ hội phát triển khách hàng từ việc kết hợp khai thác thị trường ngách lẫn trải rộng đa ngành.

 

"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là trở thành ngân hàng sinh lời tốt nhất với sự tăng trưởng ở mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp" - Ông Đỗ Minh Toàn

TBKTSG: Từ năm 2014, ACB là một trong 10 ngân hàng thương mại được NHNN lựa chọn triển khai thí điểm Basel II. Từ 2015, ACB đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi hoạt động ngân hàng trong lộ trình triển khai đã được ACB xây dựng theo yêu cầu của NHNN đến năm 2020 bao gồm các hoạt động:Năm 2019 là năm mà một số chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, trong đó có Thông tư 13, Thông tư 41 liên quan đến quản trị rủi ro và tuân thủ Hiệp ước Basel II, ACB đã làm gì để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định này?

Ông Đỗ Minh Toàn: Tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và áp dụng các quản lý danh mục tài sản có theo quy định này. Đánh dấu việc ghi nhận cho sự sẵn sàng của ACB về quản lý vốn theo Basel II là hồ sơ đăng ký tuân thủ trước hạn tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN được nộp vào tháng 11-2018 và ACB đang phối hợp với NHNN để nhận được sự chấp thuận áp dụng trước hạn thông tư này trong đầu năm 2019.

ACB đã và đang đạt được những kết quả nhất định từ chuyển đổi chuẩn mực quản trị theo Basel II trong thời gian qua thông qua chuyển đổi quản trị các hoạt động kinh doanh chính như hoạt động tín dụng, hoạt động kinh doanh trên thị trường vốn, cung cấp dịch vụ cùng với nâng cao chất lượng quản trị các rủi ro của ACB. Những chuyển đổi này đang hướng đến tuân thủ Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại có hiệu lực từ năm 2019.

Việc triển khai áp dụng các chuẩn mực theo Basel II sẽ tạo được uy tín, sự tin tưởng của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng cũng như của cổ đông đối với sự phát triển của ACB trong thời gian tới.

TBKTSG: Ngân hàng số là một xu thế và ACB sẵn sàng như thế nào cho việc này?

Ông Đỗ Minh Toàn: Chúng tôi đang trên lộ trình ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động kinh doanh của ACB, đổi mới trải nghiệm của khách hàng bằng việc bổ sung thêm kênh ngân hàng số vào ngân hàng truyền thống. ACB sẽ thực hiện vừa kết hợp với các hệ nền tảng của các tổ chức khác vừa xây dựng hệ nền tảng riêng của mình để từ đó có thể cung cấp các giải pháp dịch vụ tài chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng.

Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt ứng dụng ngân hàng trên di động (ACB app) với nhiều tính năng được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo tiêu chí thuận tiện và thân thiện với người dùng. Internet banking sẽ là thay đổi lớn tiếp theo khi chúng tôi thực hiện nâng cấp ACB Online để thực hiện yêu cầu trực tuyến của khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm FinTech và kỹ thuật số khác. Việc ứng dụng công nghệ trong nội bộ cũng được đẩy mạnh như ứng dụng cho nhân viên kinh doanh; số hóa các quy trình; số hóa dữ liệu lưu trữ... giúp nhân viên rút ngắn thời gian thực hiện công việc để có thể tập trung chăm sóc khách hàng tốt hơn.

TBKTSG: Quan điểm của ông giữa đầu tư tăng doanh thu và an toàn bảo mật?

Ông Đỗ Minh Toàn: Chúng tôi phát triển hệ nền tảng số và thực hiện các chuyển đổi về mặt công nghệ để đẩy mạnh kinh doanh nhưng cũng chú trọng vào bảo mật thông tin vì đây là một yếu tố mang tính sống còn với ngân hàng trong bối cảnh các hoạt động tấn công công nghệ tăng mạnh. Chúng tôi thường đầu tư không dưới 20% vốn đầu tư những năm gần đây cho nền tảng kỹ thuật công nghệ.

Nguồn nhân lực về CNTT của ACB cũng được chú trọng phát triển cả về chất và lượng. Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác với các tổ chức lớn về CNTT, bảo mật cũng giúp ACB có lợi thế trong nắm bắt thông tin sớm về những đợt tấn công, những lỗ hổng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống để kịp thời xử lý và thông báo hướng dẫn khách hàng phòng tránh.

TBKTSG: Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, để đưa ACB vào một chặng đường phát triển mới phía trước, yếu tố ông đánh giá quan trọng nhất là gì?

Ông Đỗ Minh Toàn: Con người, công nghệ, quy trình... vẫn sẽ tiếp tục là nền tảng của ACB trong giai đoạn mới, trong đó vai trò con người sẽ cao hơn và là động lực để tạo nên sự thay đổi. Tuy nhiên, trong một tập thể lên đến 10.000 người như ACB thì tính kỷ luật sẽ là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến thành tựu của tổ chức. Tính kỷ luật và sự tuân thủ giúp tạo ra sự hiệu quả, tăng cường sự hợp tác cần thiết giữa các bộ phận, hạn chế rủi ro và đưa mọi thứ vào đúng quỹ đạo cần phải có.

Hãy nhìn những thành tựu mà đội bóng Việt Nam đã làm được, đó cũng là nhờ vào tính kỷ luật, tuân thủ nghiêm túc dẫn đến sự đoàn kết và tính tập thể cao. Trong chặng đường tương lai của ACB, các đồng nghiệp và tôi sẽ là một, cùng nhau đồng hành đưa ACB trở thành một ngân hàng phát triển bền vững, chất lượng và an toàn.

 Theo www.thesaigontimes.vn
 

NGÂN HÀNG Á CHÂU - ACB

Thông tin tuyển dụng các vị trí - http://bit.ly/Alljobs

Fanpage tương tác: ACB Talent Ecosystem

Email tuyển dụng: acbhr@acb.com.vn

Tin liên quan

Là Fresher nhưng muốn làm tại tổ chức lớn, khó hay dễ?

Là Fresher nhưng muốn làm tại tổ chức lớn, khó hay dễ?

29/07/2019 10:07

Các chuyên gia nhân sự hay sử dụng cụm từ "fresh" để nói về những bạn trẻ vừa rời cổng trường đại học hoặc đang trải nghiệm những năm tháng đầu tiên của đời đi l...

ACB: Công thức phát triển văn hóa sáng tạo

ACB: Công thức phát triển văn hóa sáng tạo

19/07/2019 16:07

"Chúng tôi không tự bó buộc mình trong một không gian nào đó. Cách một nhân viên được phát triển và tạo ra nguồn...

Nói gì về ACB - Con người ACB

Nói gì về ACB - Con người ACB

18/06/2019 14:06

Tính đến 31/12/2018, tổng số nhân viên của ACB là 10.120 người. Cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 96%, thường xuyên được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tại trung tâm đào tạo riêng của ACB...